Thanh niên và niềm tin thế hệ

15/05/2015 Lượt xem: 1953 In bài viết

Nhóm xã hội định đoạt tương lai

Thanh niên là một nhóm xã hội có vị thế quan trọng trong xã hội Việt Nam. Họ vừa là sản phẩm lịch sử của công cuộc đổi mới và quá trình toàn cầu hóa, đồng thời là chủ nhân tương lai của đất nước. Theo ông Phạm Hồng Tung, nếu tính theo tiêu chí tuổi của thanh niên Việt Nam thì tổng số thanh niên Việt Nam hiện nay là hơn 24 triệu người (chiếm khoảng 30% tổng dân số), trong đó thanh niên chiếm khoảng 40% lực lượng lao động xã hội. Rõ ràng đây là một lực lượng xã hội rất đông đảo, có vị thế và tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, vị thế và tầm quan trọng to lớn của thanh niên không chủ yếu bắt nguồn từ số lượng đông đảo hay tỷ trọng tương đối lớn của nó trong kết cấu dân cư của đất nước mà nằm ở chỗ: Thanh niên Việt Nam hiện nay chính là nhóm xã hội-dân cư sẽ định đoạt tương lai của dân tộc, định đoạt vị thế của đất nước và con người Việt Nam trong cộng đồng nhân loại nửa đầu thế kỷ 21.

Đó chính là lý do mà Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định rằng, thanh niên là “rường cột của nước nhà”, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo và giáo dục thế hệ thanh niên hiện nay chính là cách thức Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chuẩn bị tích cực và chủ động hành trang đi tới tương lai của toàn dân tộc và chế độ.

Một đặc trưng quan trọng nhất của thanh niên nước ta hiện nay, theo GS Tung là: Họ là sản phẩm lịch sử đích thực của công cuộc đổi mới, sinh ra và lớn lên trong quá trình đất nước đổi mới, cùng đất nước từng bước vượt qua khó khăn.

Điều này có nghĩa là đối với thế hệ thanh niên hiện nay, thời kỳ hào hùng của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh chỉ còn là những bài học và ký ức lịch sử, thời kỳ bao cấp đầy khó khăn đối với họ cũng chỉ còn là một thời kỳ lịch sử không đáng nhớ.

Họ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước “đổi mới tư duy”, nền kinh tế chuyển dần sang cơ chế thị trường, đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, xã hội mất dần tính thuần nhất và trở nên ngày càng phức tạp với những phân hóa, phân tầng... Môi trường văn hóa cũng trở nên phức tạp hơn với những quá trình giao lưu, tiếp biến đa dạng trong sự phục hồi các giá trị và sinh hoạt văn hóa truyền thống và sự giao lưu ngày càng mạnh mẽ với thế giới và khu vực...

Sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh đất nước và thời đại như vậy, thanh niên Việt Nam luôn luôn đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, đối diện hằng ngày với nhiều cơ hội và thách thức mà các thế hệ thanh niên trước đó chưa từng gặp phải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thanh niên Việt Nam đã và đang trải qua những quá trình phân hóa phức tạp cả về ý thức chính trị, trình độ giáo dục, điều kiện kinh tế, định hướng giá trị, xu hướng lối sống và ứng xử cá nhân...

Mặc dù tình hình trong nước và thế giới đang diễn ra những chuyển biến mau lệ và phức tạp, phần đông thanh niên Việt Nam vẫn hướng tới những giá trị tốt đẹp, có khát vọng trong sáng về tương lai. Theo GS Tung, thanh niên Việt Nam hiện nay có 6 xu hướng, lối sống tích cực cơ bản nhất. Đó là: Trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Yêu nước, quan tâm đến tình hình đất nước và tin tưởng vào tương lai của đất nước; Thực tế, thực dụng trong suy nghĩ, hoạt động và ứng xử hằng ngày; Năng động, sáng tạo, luôn hướng tới cái mới, cái khác biệt; Tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu thành tựu văn minh và tinh hoa văn hóa thế giới; Có khát vọng, lạc quan, có tính tích cực chính trị-xã hội cao và có bản lĩnh chính trị khá vững vàng.

Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên Việt Nam đang chịu ảnh hưởng và ngả theo những xu hướng lối sống tiêu cực, không lành mạnh như: Buông thả bản thân; Hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; Ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ; Hời hợt, a dua theo các trào lưu nhất thời, tiếp thu xô bồ ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Những xu hướng lối sống tiêu cực của thanh niên là những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam hiện nay.

Thanh niên có quyền tự định hướng lối sống

Thanh niên chính là chủ thể của lối sống thanh niên. Họ chịu tác động của hoàn cảnh, của các tác nhân khác nhưng chính họ cũng tác động ngược trở lại với toàn xã hội và toàn nhân loại. Thanh niên vừa là sản phẩm lịch sử nhưng đồng thời họ cũng đang tham gia sáng tạo ra lịch sử. Lối sống của họ là kết quả tác động của nhiều yếu tố khách quan, và còn là kết quả của sự lựa chọn từ chính bản thân họ. Thanh niên hoàn toàn có quyền và có khả năng lựa chọn để tự định hướng lối sống cho bản thân họ cũng như thế hệ của họ.

Xã hội hiện đại được coi là xã hội phức hợp cao, các mối quan hệ xã hội càng ngày càng phong phú, phức tạp. Điều này đòi hỏi thế hệ thanh niên ngày nay phải có nhận thức đầy đủ hơn và cập nhật hơn về xã hội. Nhờ đó họ mới có thể định vị được bản thân mình trong hệ thống xã hội hiện đại, định hướng thế ứng xử và lối sống của mình, tức là lựa chọn được con đường phù hợp để hội nhập với xã hội.

Ba cách giúp thanh niên thành công

GS. Phạm Hồng Tung cho rằng có rất nhiều biện pháp, giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực hội nhập xã hội cho thanh niên, giúp thanh niên thành công hơn trong cuộc sống, ít thất bại và biết cách vượt qua những thất bại, khủng hoảng, sự cố trong cuộc sống, hướng họ tới những xu hướng, lối sống tích cực, lành mạnh.

Điểm then chốt đầu tiên là thanh niên phải biết xây dựng cho mình những hoài bão, niềm tin và những ước mơ cao đẹp, chính đáng. Đây là cái không thể thiếu đối với mỗi thanh niên và mỗi thế hệ thanh niên, bởi đó chính là sức mạnh, là cái làm nên “nhựa sống” cho tuổi thanh niên. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào và không phải nhóm, thế hệ thanh niên nào cũng có hoài bão, niềm tin và ước mơ. Khủng hoảng niềm tin, sống không mơ ước chính là nguyên nhân đầu tiên, cơ bản nhất dẫn đến lối sống vô cảm và các lối sống tiêu cực khác.

Nhưng làm thế nào để thanh niên tự hình thành niềm tin, hoài bão và ước mơ? Đây là một vấn đề hết sức to lớn và phức tạp, nhưng lại cũng hết sức giản dị, thiết thực. Đương nhiên phải bắt đầu từ gia đình, giáo dục gia đình rồi đến nhà trường và giáo dục học đường.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là tập cho thanh niên chủ động tham gia các hoạt động thực tiễn ngoài xã hội, để thanh niên tự nhận thức và xây dựng cho mình giá trị, niềm tin và lối sống, từ đó nỗ lực hết mình để hiện thực hóa các ước mơ của họ.

Bên cạnh gia đình và nhà trường, các tổ chức của thanh niên: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Đó chính là không gian xã hội, là trường học, là môi trường giao tiếp của thanh niên.

Tiếp theo, thanh niên phải chuẩn bị tốt nhất cho mình hành trang để hội nhập với xã hội hiện đại. Hành trang đó là tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thể lực, sức khỏe... Tức là nâng cao cả chất lượng thể chất và chất lượng tinh thần của bản thân mình. Có vậy mới đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội.

Cuối cùng, GS Tung khẳng định không có cách nào khác là thanh niên cần rèn luyện cho mình lối sống tích cực, hiện đại và lành mạnh, ý thức được và tránh xa các lối sống tiêu cực… Đó là nền móng vững chắc để thanh niên trưởng thành, tạo niềm tin sâu sắc cho toàn xã hội tin vào cả một thế hệ.

(Nguồn: chinhphu.vn)