Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn 

17/04/2013 Lượt xem: 921 In bài viết
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Đào Trọng Thi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đặng Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội và Nguyễn Đăng Khoa – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tham gia buổi làm việc, về phía Trung ương Đoàn có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam, cùng các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ - Ban chấp hành  Trung ương Đoàn và đại diện các Ban của Trung ương Đoàn.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã báo cáo việc tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và kết quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Trung ương Đoàn đã xác định rõ việc tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là việc làm hết sức quan trọng, thể hiện trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên đối với đợt sinh hoạt chính trị lớn của cả nước.

Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc đã chủ động xây dựng Kế hoạch, ban hành hướng dẫn chỉ đạo nhằm triển khai đến 100% Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở và chi đoàn.

Nhiều hình thức lấy ý kiến phong phú đã được các đơn vị thực hiện như: sinh hoạt chi đoàn, tuyên truyền thông qua hệ thống báo chí của Đoàn, bản tin thanh niên, Website; tuyên truyền bằng hệ thống bảng tin, băng rôn, tổ chức các diễn đàn, hội thi... Đối tượng lấy ý kiến là các cán bộ Đoàn, Nhà nghiên cứu, cựu cán bộ Đoàn, trí thức trẻ, nghệ sỹ trẻ, sinh viên, lao động trẻ ...

Đến ngày 14/3, các cơ sở Đoàn trên cả nước đã tổ chức 6 hội nghị cấp Trung ương, 112 hội nghị cấp tỉnh, 1.196 hội nghị cấp huyện và đã có 26.097 Đoàn cấp cơ sở và 113.800 chi Đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý, qua đó đã thu được 1.180.022 ý kiến của đoàn viên trong cả nước.

Theo đánh giá của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, hầu hết cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao đối với việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tin tưởng, phấn khởi và đồng tình với dự thảo, khẳng định khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đồng thời, các ý kiến cũng đề xuất, góp ý nhiều ý kiến, nội dung thiết thực có chất lượng, mang tính xây dựng vào các quy định cụ thể của bản dự thảo với mong muốn Nhà nước sẽ có một bản Hiến pháp chất lượng, khoa học phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước; thể hiện được ý chí nguyện vọng của nhân dân trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì nhân dân.

Bên cạnh đó, đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cả nước cũng bày tỏ băn khoăn ở nội dung khoản 5 Điều 36 và Điều 66 trong Hiến pháp 1992 không có trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. BCH Trung ương Đoàn đã có văn bản kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 giữ lại những nội dung quy định về trách nhiệm của của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Báo cáo kết quả sau 2 năm triển khai Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới,” Đoàn thanh niên các cấp đã vận động, huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên cùng chung tay tham gia. Đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ở các cấp bộ Đoàn là điểm nhấn trong triển khai Cuộc vận động.

Nhiều cơ sở Đoàn với cách làm sáng tạo, linh hoạt, chủ động chọn việc, lĩnh vực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục xây dựng hạ tầng thiết thực, đem lại hiệu quả cao, từng bước tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên các lực lượng tích cực hưởng ứng.

Kết quả, các cấp bộ đoàn đã xây mới được khoảng 8.000 km, tu sửa trên 40.000 km đường giao thông nông thôn; xây mới 1.221 nhà văn hóa, nhà nhân ái; tu sửa 7.546 nhà, sửa chữa hàng nghìn cầu giao thông nông thôn… bên cạnh đó, đã in ấn và phát hành 30.000 poster; phát hành 2.000 đĩa nhạc hành trình nông thôn mới, biên tập và phát hành 3.500 cuốn sổ tay hướng dẫn “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thông mới” cung cấp cho cơ sở.

Thời gian tới, triển khai thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020,” Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông về chủ đề này; tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục công trình hạ tầng; tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, hướng đến các mô hình HTX thanh niên; chú trọng công tác hướng nghiệp, tạo việc làm, dạy nghề cho thanh niên; huy động các đội “Trí thức trẻ tình nguyện” tham gia xây dựng nông thôn mới...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định trong suốt chiều dài bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam đã luôn phát huy vai trò xung kích, đi đầu, đóng góp đặc biệt quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên cả nước tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ thanh niên đi trước, nỗ lực phấn đấu đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hoan nghênh đoàn viên thanh niên cả nước đã tích cực tham gia tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Trong bối cảnh lịch sử mới, kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, thanh niên là lực lượng được trang bị tri thức cao, có trí tuệ, sức trẻ, đoàn viên thanh niên phải tăng cường hơn nữa đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Trung ương Đoàn tiếp tục tuyên truyền, tìm hiểu về Hiến pháp trên mọi kênh thông tin, vận động toàn dân tham gia góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm thể hiện quyền làm chủ của mình.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đoàn viên thanh niên vừa phải tuyên truyền, tổ chức thực hiện, vừa phải tích cực đóng góp vào các nội dung trong dự thảo.

“Đảng, Nhà nước mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phải hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, của nhân dân và đồng bào cả nước, đặc biệt là trí tuệ của đội ngũ 26 triệu thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Đoàn cần phát huy hơn nữa lợi thế truyền thông sẵn có, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền tổ chức lấy ý kiến toàn dân đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng kiên trì, bền bỉ và không thể thiếu vai trò thiết yếu của tuổi trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, thanh niên vừa là lực lượng tham gia thực hiện, vừa là lực lượng vận động người dân cùng thực hiện chương trình này.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tới đây Trung ương Đoàn tiếp tục phát huy sức mạnh của mình trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục vận động xây dựng các “mô hình” thanh niên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm phát huy tối đa sức mạnh, trí tuệ của thanh niên trong cả nước.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chú trọng vai trò chủ thể của thanh niên nông thôn. Tổ chức Đoàn các cấp cũng cần lưu ý đến công tác đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn; tiếp tục thiết lập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông thôn cho thanh niên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần quan tâm vận động lực lượng đoàn viên thanh niên là doanh nghiệp, thanh niên ở các mặt trận khác tham gia vào công cuộc này. Đồng thời, đề nghị Trung ương Đoàn có kế hoạch, hướng dẫn thanh niên hướng tới những công việc thiết thực, cụ thể, phù hợp với năng lực của tuổi trẻ để cùng với nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.



( Theo Doanthanhnien.vn) [TT: LPM]